Những điều cần biết về hạn mức thẻ tín dụng
Hạn mức thẻ tín dụng là một trong những yếu tố quan trọng mà bạn cần quan tâm đến khi có nhu cầu mở thẻ tín dụng. Bởi đây là nhân tố quyết định đến mức chi tiêu và khả năng chi trả của bạn khi sử dụng thẻ tín dụng. Nếu bạn đang có ý định mở thẻ tín dụng thì hãy cùng VIB tìm hiểu về hạn mức thẻ tín dụng là gì? Những yếu tố quyết định đến hạn mức tín dụng mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn và những lưu ý cần thiết khi sử dụng thẻ nhé
1. Hạn mức thẻ tín dụng là gì?
Hạn mức thẻ tín dụng là số tiền tối đa mà ngân hàng cung cấp để bạn có thể sử dụng nó để chi tiêu mua sắm và thanh toán cho các nhu cầu của cá nhân. Trong quá trình sử dụng thẻ tín dụng, nếu chi tiêu vượt quá hạn mức này bạn sẽ bị ngân hàng tính phí vượt hạn mức.
Mỗi ngân hàng phát hành thẻ sẽ có hạn mức tín dụng tối thiểu và hạn mức tối đa. Số tiền này sẽ khác nhau cho từng loại thẻ phát hành. Thậm chí, trong cùng một sản phẩm thẻ, hạn mức tín dụng của mỗi người là khác nhau.
2. Cách xác định hạn mức của thẻ tín dụng
Thẻ tín dụng về bản chất là một khoản vay của ngân hàng cho phép bạn chi tiêu trước và trả lại cho ngân hàng vào một kỳ hạn nhất định. Vì thế, bạn phải xây dựng được độ tín nhiệm cho khách hàng. Nếu độ tín nhiệm càng cao thì bạn sẽ được ngân hàng “cho vay” càng nhiều. Vậy làm thế nào để ngân hàng đánh giá được mức độ tín nhiệm của bạn? Thông thường, để cấp hạn mức tín dụng cho bạn, ngân hàng sẽ dựa vào một số yếu tố như:
- Thu nhập: Đây là yếu tố quan trọng quyết định đến hạn mức tín dụng mà ngân hàng sẽ cấp cho bạn. Vì thế, trong quá trình nạp hồ sơ mở thẻ tín dụng, bạn sẽ được các ngân hàng yêu cầu chứng minh thu nhập của mình. Khi thu nhập càng cao và càng ổn định thì hạn mức tín dụng được phê duyệt càng cao.
- Công việc: Khi bạn có công việc ổn định, ngân hàng sẽ thấy được khả năng thanh toán dư nợ tín dụng trong dài hạn. Vì thế, các ngân hàng luôn kiểm tra tình trạng nghề nghiệp của bạn trong hồ sơ đăng ký mở thẻ tín dụng.
- Lịch sử tín dụng: Không bị nợ xấu trên hệ thống CIC không có nghĩa là lịch sử tín dụng của bạn tốt. Khi xét duyệt hồ sơ đăng ký tín dụng, ngân hàng sẽ kiểm tra các thông tin như: bạn có mở quá nhiều thẻ tín dụng không, có thói quen trả nợ đúng hạn không, thói quen chi tiêu thế nào… Tất cả những thông tin này giúp ngân hàng đánh giá khả năng thanh toán dư nợ tín dụng để xác định bạn có được cấp hay không.
Sau khi xét duyệt kỹ lưỡng hồ sơ, ngân hàng sẽ tiến hành quyết định loại thẻ và hạn mức tín dụng phù hợp với khả năng tài chính của bạn.
3. Cách kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng
Khi được ngân hàng thông báo về việc được cấp duyệt mở thẻ tín dụng, bạn có thể kiểm tra hạn mức bằng những cách sau:
- Kiểm tra trong gói chào đón mà ngân hàng thông tin đến bạn khi được duyệt cấp thẻ tín dụng.
- Kiểm tra qua sao kê thẻ tín dụng: Qua đây bạn có thể kiểm tra hạn mức tín dụng được cấp kèm một số thông tin khác như lịch sử giao dịch, ngày đến hạn thanh toán,...
- Kiểm tra qua Mobile Banking: Chỉ cần điện thoại hoặc máy tính có kết nối internet là bạn có thể kiểm tra được hạn mức tín dụng đơn giản và dễ dàng.
- Kiểm tra qua dịch vụ chăm sóc khách hàng: Mỗi ngân hàng sẽ có số dịch vụ hỗ trợ chăm sóc khách hàng riêng, nên bạn có thể gọi trực tiếp đến hotline ngân hàng để yêu cầu kiểm tra.
- Kiểm tra trực tiếp tại chi nhánh của ngân hàng: Bạn có thể đến chi nhánh gần nhất của ngân hàng phát hành thẻ để kiểm tra hạn mức tín dụng.
Việc nắm được thông tin hạn mức tín dụng cũng như hạn mức tín dụng khả dụng sẽ giúp bạn có kế hoạch chi tiêu, mua sắm sắp tới thật hợp lý. Đồng thời tránh khỏi nguy cơ chi tiêu quá hạn mức.
4. Về hạn mức tín dụng khả dụng
Hạn mức tín dụng khả dụng là số tiền còn lại trong thẻ mà bạn có thể sử dụng để chi tiêu mua sắm. Nếu hạn mức tín dụng của bạn là 80 triệu và bạn đã chi tiêu 30 triệu. Trong trường hợp bạn không bị ngân hàng tính lãi hay khoản phí nào thì hạn mức khả dụng còn lại của bạn là 50 triệu. Hạn mức tín dụng khả dụng sẽ quay trở lại 80 triệu khi bạn đã thanh toán hết dư nợ tín dụng đúng hạn.
Bạn có thể kiểm tra hạn mức tín dụng khả dụng còn lại của bản thân tương tự như cách kiểm tra hạn mức thẻ tín dụng.
5. Tăng hạn mức thẻ tín dụng
Sau quá trình sử dụng thẻ, nếu nhu cầu chi tiêu hàng tháng tăng lên, bạn có thể chủ động yêu cầu ngân hàng xét duyệt cho bạn một hạn mức tín dụng mới; hoặc đăng ký cho phép ngân hàng xét duyệt tự động giúp bạn. Lúc này, ngân hàng sẽ dựa vào thói quen sử dụng thẻ tín dụng để cân nhắc việc tăng hay giữ nguyên hạn mức tín dụng hiện tại của bạn.
5.1 Tăng hạn mức thẻ tín dụng tự động
Sau khi xem xét các thói quen chi tiêu qua thẻ tín dụng của bạn, ngân hàng sẽ tự động xét duyệt hạn mức. Thông thường ngân hàng sẽ thông báo cho bạn khi hạn mức tín dụng được tự động thay đổi. Nếu bạn không đồng ý có thể hiện hệ lại với ngân hàng và giữ nguyên hạn mức cũ.
5.2 Gửi yêu cầu tăng hạn mức của thẻ tín dụng đến ngân hàng
Nếu nhu cầu chi tiêu tăng cao và bạn muốn tăng hạn mức tín dụng nhưng ngân hàng vẫn chưa tự động gia tăng. Bạn hoàn toàn có thể yêu cầu thay đổi hạn mức tín dụng đến ngân hàng. Lúc này bạn nên chuẩn bị một số giấy tờ cần thiết như: đơn yêu cầu tăng hạn mức, sao kê lương và hợp đồng lao động gần nhất để quá trình diễn ra thuận tiện nhất.
5.3 Giải pháp tăng hạn mức thẻ tín dụng
Để tăng hạn mức thẻ tín dụng bạn cần luôn thanh toán dư nợ tín dụng đúng thời hạn, nếu thanh toán trễ dù chỉ một ngày cũng sẽ ảnh hưởng đến khả năng xét duyệt hạn mức tín dụng. Tăng thời gian sở hữu thẻ càng lâu đồng nghĩa với việc cơ hội yêu cầu tăng hạn mức được chấp nhận canh cao. Do đó, bạn hạn chế tối đa việc hủy thẻ tín dụng sớm vì lý do hạn mức. Bên cạnh đó, bạn cũng nên mua sắm thường xuyên, bởi việc chi tiêu qua thẻ cũng giúp điểm và lịch sử tín dụng được cải thiện một cách đáng kể.
Không có nhận xét nào:
Đăng nhận xét